Cảnh báo tư duy “Công An trị”: Pháp luật chỉ dùng cho dân nhưng không dùng cho Quan?

Ngày 16/5, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung về xử lý vi phạm hành chính, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, phó Giám Đốc Công an – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk – đã đề xuất nâng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông lên tới 200 triệu đồng. 

Theo bà Xuân, mức phạt hiện tại là chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trật tự giao thông. Trong khi, trên thực tế mức phạt tiền tối đa cho hành vi vi phạm giao thông theo Nghị định 168 là 75 triệu đồng.

Đề xuất này đã lập tức làm dấy lên làn sóng phản ứng gay gắt trên mạng xã hội. Công luận đặt câu hỏi: “Tại sao vi phạm giao thông thì bị phạt quá nặng, trong khi các quan chức tham nhũng tiền tỷ thì lại xử lý nhẹ hoặc thoát tội?

Điều đáng nói, đa số các hành vi vi phạm giao thông, như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm…, chủ yếu là người dân lao động, học sinh sinh viên… có thu nhập thấp. Nếu bị phạt tới 200 triệu đồng, thì sẽ đẩy họ rơi vào cảnh nợ nần hoặc bị cưỡng chế tài sản.

Trong khi đó, những hành vi vi phạm tham nhũng để trục lợi, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước thì chỉ bị xử lý quá “nhẹ tay”. Nhiều quan chức tham nhũng chỉ bị kỷ luật đảng, hay chịu án tù nhưng sớm được giảm án, và tha bổng.

Đề xuất của Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân đã cho thấy một tư duy phổ biến trong hệ thống công quyền ở Việt Nam hiện nay. Pháp luật dùng để răn đe dân, và hành dân, còn quan chức thì được đứng ngoài vòng pháp luật.

Trong khi, Tổng Bí thư Tô Lâm đang nói đến cải cách, và chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”. Thì đề xuất tăng mức “phạt 200 triệu” kể trên càng thể hiện cho thấy ý kiến chỉ đạo của ông Tô Lâm không có giá trị đối với các địa phương.

Công luận thấy rằng, nếu pháp luật vẫn là công cụ để “trị dân” thay vì để “bảo vệ công lý”, thì niềm tin xã hội sẽ tiếp tục bị bào mòn. Công lý phải bắt đầu từ sự công bằng và minh bạch ở ngay trong tư duy của các lãnh đạo trong bộ máy công quyền.

Một xã hội mà pháp luật nghiêm với dân, nhưng lại bao che cho quan chức sai phạm, thì không thể tạo dựng được lòng tin, cũng khó có thể duy trì được sự ổn định lâu dài.

Hồng Lĩnh – Thoibao.de