Một công ty mới toanh, chưa có bất kỳ một kinh nghiệm nào trong lĩnh vực quản lý xây dựng đường sắt. Nghĩa là “hồ sơ năng lực” của Vinspeed chỉ là con số không tròn trĩnh nhưng lại đề nghị vay 1,2 triệu tỷ đồng-tương đương với 49 tỷ đô la Mỹ từ nhà nước với lãi suất 0% và thời hạn 35 năm mà không thế chấp, không bảo lãnh.
Thật là một đề xuất điên rồ ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Nó không tuân thủ bất kỳ nguyên tắc tài chính nào, không tuân thủ bất kỳ quy tắc đề phòng rủi ro nào trong quản lý tài chính.
Không một nhà nước pháp quyền nào có thể thực hiện một hợp đồng cho vay như thế. Trên thế giới, không có một doanh nghiệp chưa từng có chút kinh nghiệm nào mà được ưu đãi đến như thế. Nếu nhà nước Cộng Sản chấp nhận đề xuất của Phạm Nhật Vượng, thì đây là hành động đem tài sản quốc gia quẳng đi một cách không thương tiếc. Vinspeed lấy gì chứng minh họ đủ năng lực thực hiện dự án? Lấy gì để chứng minh một công ty chưa có năng lực gì lại có khả năng trả nợ sau 35 năm?
Trước đây, các doanh nghiệp thân hữu điều tìm cách chiếm hữu nguồn vốn quốc gia một cách kín đáo. Tuy nhiên, với Vinspeed, ông Phạm Nhật Vượng lại đề nghị công khai một hình thức chiếm hữu nguồn vốn quốc gia lớn như vậy. Đây là trường hợp tham nhũng chính sách công khai mà không cần phải giấu giếm. Phạm Nhật Vượng nấp dưới cái mác là “vì lợi ích quốc gia” hay vì sự “cống hiến” gì đấy. Không biết Vinspeed cống hiến đến đâu nhưng 100 triệu dân phải mất đến 49 tỷ đô cho Vinspeed.
Ngành xây dựng cơ bản ở Việt Nam ước tính lợi nhuận trung bình khoảng 20%. Đấy là chưa kể thất thoát do bôi trơn. Nếu kể thêm chi phí bôi trơn thì con số còn lớn hơn nhiều. Với dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trị giá 61,35 tỷ đô la Mỹ. Vinspeed đề xuất họ tự thu xếp khoảng 20% vốn dự án, còn lại 80% nguồn vốn là từ nguồn vay nhà nước với lãi suất 0% thời hạn 35 năm.
Như vậy có thể thấy, ông Phạm Nhật Vượng đã tính toán rất kỹ. Với nguồn vốn 80% tổng mức đầu tư dự án là vốn vay thì Vinspeed đủ để tự làm tuyến đường sắt này, còn lại 20% mà họ nói rằng họ tự thu xếp ấy xem như không cần xuất tiền túi. Nếu Tô Lâm chấp nhận cuộc chơi theo đề xuất của Phạm Nhật Vượng thì xem như Phạm Nhật Vượng có thể dùng “tay không bắt giặc”.
Quyền lực của tập đoàn Vingroup là một dấu hỏi lớn về sự thật đằng sau nó. Tại sao một doanh nghiệp tư nhân lại khiến cho Ban tuyên giáo phải phục vụ nó như phục vụ Đảng? Tại sao nó khiến cho các tờ báo sợ nó như sợ ban tuyên giáo? Tạo sao một doanh nghiệp có thể khiến cho Bộ Công an phải bảo vệ nó như bảo vệ Đảng Cộng Sản? Đáng nói hơn là Bộ Công an dưới thời Tô Lâm làm Bộ trưởng luôn luôn là “thanh kiếm” bảo vệ Vingroup một cách tận tâm nhất, và Lương Tam Quang cũng thế.
Giờ đây Tô Lâm làm Tổng bí thư, quyền lực bao trùm tất cả thì Phạm Nhật Vượng lại đề xuất một thương vụ làm ăn táo bạo đến như vậy.
Ông Nguyễn Văn Thiệu từng có câu nói nổi tiếng “đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn những gì Cộng Sản làm”. Trong trường hợp này cần chú ý việc hợp tác giữa Bộ Công an và Vingroup trong thời gian dài vừa qua. Sự lớn mạnh về quyền lực của Tô Lâm cũng đi kèm theo sự táo bạo của Phạm Nhật Vượng. Chẳng lẽ đây là sự “trùng hợp ngẫu nhiên sao”?
Để quốc gia cường thịnh, rất cần những doanh nghiệp vững mạnh. Hàn Quốc có Samsung, Hyundai, LG vv… thì đất nước họ mới vươn mình. Tuy nhiên, đất nước cần những doanh nghiệp chân chính, làm ăn minh bạch và chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng của kinh tế thị trường đúng nghĩa. Doanh nghiệp phải lớn mạnh bằng năng lực thật sự chứ không phải lớn mạnh bằng sự bảo kê của quyền lực chính trị.
Vinspeed và ý đồ của Đảng Cộng Sản đang là mối nguy khôn lường cho tương lai đất nước.
Thái Hà-Thoibao.de