Tổng bí thư cố “vươn mình” trên 2 chân trụ “què”!

Giải Nobel Kinh tế năm 2024 được trao cho ba nhà kinh tế học, đó là Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ), Simon Johnson (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) và James Robinson (Đại học Chicago, Hoa Kỳ). 3 nhà kinh tế học này khẳng định Nguồn gốc sự giàu nghèo giữa các quốc gia là do thể chế.

Từ đó có thể nhìn lại lịch sử thế giới là biết kết quả. Có quốc gia cộng sản nào mà giàu có văn minh bao giờ? Có quốc gia độc tài nào giàu?
Đấy là kết luận, tuy nhiên, bản chất bên trong thì rất phức tạp. Bên trong thể chế chính trị, các cơ chế của nó đã sản sinh ra rất nhiều độc tố khiến cho xã hội này không thể phát triển.
Có người nhận xét rằng, muốn đất nước phát triển thì bắt đầu bằng cải cách giáo dục và cải cách tư pháp. Đây được xem là 2 chân trụ vững chắc.

Giáo dục đúng sẽ tạo ra con người có đạo đức, có trách nhiệm và có tính sáng tạo cao. Giáo dục sai, nó tạo ra những thế hệ nô lệ, giáo điều, ỉ lại, thiếu đạo đức, thiếu tính sáng tạo. Không có nguồn nhân lực đủ tốt, không có động lực phát triển.
Ngày 1/5, báo Lao Động có bài viết “Gian dối trong giáo dục là độc tố ngấm ngầm, đầu độc cả thế hệ”. Bài báo đã nói lên một phần rất nhỏ trong cái thối nát của nền giáo dục này. Ngay cả quan chức cũng nhìn ra vấn đề lớn của nền giáo dục này nên họ cố tham nhũng để dùng tiền ấy đưa con đi du học, mục đích tránh khỏi nền giáo dục kém chất lượng mà họ đang thực hiện.

Tư pháp đúng sẽ thanh lọc được độc tố xã hội. Độc tố ở đây gồm trong dân vào trong Chính quyền. Những thành phần tội phạm phải được trừng trị nghiêm khắc, người ngay thẳng được bảo vệ. Trong Chính quyền, thành phần tham ô phải bị loại bỏ để cho bộ máy Chính quyền hoạt động trơn tru và hiệu quả.
Ở các nước dân chủ tiến bộ, không cần cơ quan chống tham nhũng nào, tất cả những thành phần tham nhũng đều là tội phạm, nó sẽ bị bộ máy tư pháp xử lý rốt ráo. Bộ máy tư pháp phải xử quan chức như thứ dân thì may ra bộ máy mới sạch. Còn với tư duy “Nếu chúng ta sai chúng ta xin lỗi nhân dân, nếu dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật” thì mãi mãi bộ máy Chính quyền là bộ máy sâu mọt đục làm tan nát tiềm lực quốc gia.

Ông Nguyễn Hòa Bình khi làm Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã xử án bằng cách chấp nhận vật chứng mua ngoài chợ ép án tử bị cáo. Thế nhưng ông này vẫn vào Bộ Chính Trị và nay làm Phó Thủ tướng thường trực. Càng gian dối, càng vô nhân tính lại càng được trọng dụng.
Câu chuyện một kẻ trộm con vịt bị kết án 7 năm tù, còn quan chức làm thất thoát ngàn tỷ được hưởng án treo là một minh chứng cho thấy sự thối nát của một nền tư pháp. Chính loại tư pháp thối nát này nó dung túng kẻ có tội và kết án oan người vô tội làm xã hội đảo lộn. Đất nước không có định hướng để mà phát triển.
Hô hào mạnh mẽ khẩu hiệu “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhưng 2 chân trụ để thực hiện quá trình vươn mình đều là 2 chân trụ thối rữa như thế này thì không biết ông Tô Lâm thực hiện “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” bằng cách nào?

Thật ra cả giáo dục và tư pháp đều là 2 chân gắn trên một tấm thân, thân ấy là thể chế chính trị. Vì cái thể chế chính trị độc tài Cộng Sản mà nó mới sinh ra “giáo dục xã hội chủ nghĩa” và cái gọi là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Hai cái được dán mác xã hội chủ nghĩa ấy đều là 2 sản phẩm què quặt của nhân loại, nhưng khốn khổ thay, dân Việt Nam phải chấp nhận nó.
“Kỷ nguyên vươn mình” được báo chí đồng loạt gáy vang, nhưng nếu tỉnh táo, ai cũng thấy nó là câu khẩu hiệu sáo rỗng. Tô Lâm hoặc không nhận ra vấn đề hoặc nhận ra nhưng không dám thay đổi tận gốc.

Thái Hà -Thoibao.de